Trong lịch sử cổ đại và những văn tự cổ xưa Xẻ_đôi_người

Ba Tư cổ đại

Huyền thoại về Jamshid

Trong thiên sử thi Shahnameh của Ferdowsi, Jamshid là một shah huyền thoại của Ba Tư. Sau 300 năm trị vì, Jamshid quên mất những phước lành từ Chúa và bắt đầu yêu cầu được tôn kính như một vị thần. Dân chúng nổi loạn và Zahhak xử tử ông bằng cách xẻ đôi người.[7]

Parysatis

Parysatis, vợ và là người chị mang nửa dòng máu của vua Darius II, kẻ được cho là nắm thực quyền cai trị Đế quốc Achaemenes. Là người khơi mào và dính líu vào nhiều âm mưu đen tối của tòa án, bà tạo ra rất nhiều kẻ thù nhưng đồng thời cũng có biệt tài tiêu diệt bọn họ rất đúng thời điểm. Parysatis đã xử tử nhiều anh chị em của Stateira - con dâu của chính bà, trong đó Roxana, chị gái của cô là người đầu tiên trong danh sách này bị xử tử bởi Parysatis. Cơ thể cô bị xẻ làm đôi. Parysatis cũng có ý định giết cả Stateira. Tuy nhiên, con trai cô, Artaxerxes II đã đứng ra cầu xin để giúp mẫu thân thoát chết. Nhưng sự sống của Stateira cũng không kéo dài lâu. Khi Darius II băng hà, Parysatis tiếm quyền và đầu độc cô. Parysatis còn tiếp tục nắm quyền nhiều năm sau đó.[8]

Hormizd IV

Hormizd IV (tiếng Ba Tư: هرمز چهارم‎), con trai của vua Khosrow I, là vị vua thứ 21 của nhà Sassanis. Triều đại của ông kéo dài từ năm 579 đến năm 590.[9] Trong thời gian trị vì của mình, ông được đánh giá là một vị vua bạo quyền, "hung ác", bị các triều thần, quý tộc phẫn nộ gay gắt. Vì lẽ đó, năm 590, Khosrow II - con trai ông đã cầm đầu một cuộc nổi loạn cung đình chống lại cha mình. Hormizd IV bị buộc phải chứng kiến cảnh vợ và một trong những đứa con trai của mình bị xẻ thịt trước mắt mình. Sau đó ông đã bị mù. Vài ngày sau, ông bị chính người con trai mới lên ngôi giết chết trong một cơn phẫn nộ.[10]

Người Thracia

Người Thracia được người Hy Lạp, La Mã xem như những kẻ hung ác, hiếu chiến và khát máu.[11] Điển hình là ông vua khét tiếng bệnh hoạn Diegylis. Ông này được tôn lên làm vua bởi con trai là Ziselmius, kẻ cũng bệnh hoạn không kém. Theo Diodorus Siculus, Ziselmius có thú vui là xẻ đôi người của nạn nhân sau đó bắt người thân của họ phải ăn những phần thịt ấy. Người Thracia cuối cùng cũng hạ bệ hai kẻ này. Trước khi chết, Ziselmius được cho là đã bị tra tấn bằng nhiều hình thức khác nhau.[12]

La Mã cổ đại

Bộ Luật Mười hai Bảng

Được ban hành vào khoảng năm 451 trước công nguyên, Luật 12 Bảng là bộ luật lâu đời nhất còn sót lại dưới thời La Mã cổ đại. Aulus Gellius, trong quyển sách nổi tiếng "Attic Nights" của mình, ông có đề cập rằng hình phạt xẻ đôi người đã được nhắc đến trong vài điều luật của Bộ luật 12 Bảng. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng những điều luật này rất ít khi được áp dụng nên không nhiều người có dịp chứng kiến tận mắt.[13] Trong số những điều luật hiếm hoi còn sót lại trong 12 bảng của bộ luật, có vài chỗ được cho là có nhắc đến hình thức này. Ví dụ như Bảng 3 Điều 6 có nói đến cách thức mà các chủ nợ nên tiến hành với các con nợ của mình, cụ thể như sau: "Đến ngày phiên chợ thứ ba, các chủ nợ có thể cắt con nợ ra làm nhiều mảnh nếu không trả được nợ. Nếu chủ nợ xử quá mức, họ cũng không bị kết tội." Nhiều bản dịch đã bị nhầm lẫn giữa "phân đôi" với "cắt ra làm nhiều phần". Những dịch giả về sau cũng chú ý đến điều này và đã có đính chính lại. Nếu vậy, có thể hình thức xử tử được đề cập ở đây là tùng xẻo chứ không phải là xẻ đôi người.[14]

Dưới thời Caligula

Dưới thời Đế quốc La Mã, xẻ đôi người ít được thực hiện, nhưng dưới triều đại của vua Caligula, xử tử theo cách này này bắt đầu trở nên phổ biến.[15] Tử tội và cả gia đình người bị kết án sẽ bị xẻ đôi theo chiều ngang thay vì chiều dọc. Tương truyền, Caligula rất thích xem xẻ thịt tù nhân trong lúc dùng bữa. Ông ta xem việc xẻ thịt này đóng vai trò như một món khai vị cho bữa ăn.[4]

Cuộc chiến Kitô

Kéo dài từ năm 115 đến năm 117, Cuộc chiến Kitô thực chất là một cuộc nổi loạn của người Do Thái chống lại Đế quốc La Mã. Vô số cuộc nổi dậy bùng lên khắp mọi nơi. Theo số liệu từ Cassius Dio, người Do Thái nổi dậy đã tàn sát 200.000 ở Cyrene, 240.000 người ở Síp. Dio cũng cho biết thêm, rất nhiều nạn nhân của những cuộc thảm sát này đã bị xẻ đôi người. Thậm chí, người Do Thái còn "uống máu của kẻ địch, moi ruột họ ra và quấn quanh xác như một chiếc thắt lưng".[16]

Thời Valens

Năm 365, Procopius xưng đế và tuyên chiến với Valens (Hoàng đế Đông La Mã). Ông bại trận và bị hai tướng lĩnh phản trắc dưới quyền là AgiloniusGomoarius bắt sống giao nộp cho Valens (hai kẻ này đã được Valens hứa hẹn "ban thưởng hậu hĩnh"). Năm 366, Valens đem Procopius ra xử tử theo cách thức của băng cướp Sinis. Theo đó, ông bị trói vào hai cái cây đã được uốn cong xuống bởi lực. Khi hai cái cây được thả cho bung ra, cơ thể của Procopius bị xé ra làm đôi. Valens cũng không quên "ban thưởng" cho Agilonius và Gomoarius bằng cách xẻ đôi người hai kẻ này.[17]

Trong văn bản truyền thống của người Do Thái

Cái chết của Isaiah

Theo một số văn bản truyền thống của Do Thái Giáo, Nhà tiên tri Isaiah đã bị xử tử bằng cách xẻ đôi người theo lệnh của vua Manasseh.[18] có văn bản viết rằng ông bị buộc vào giữa hai cái cây và bị xẻ làm đôi, văn bản khác thì cho rằng ông đã bị xẻ đôi bằng một cái cưa gỗ.[19]

Những kẻ tử vì đạo (Cơ Đốc giáo)

Simon Nhiệt ThànhMinh họa bởi Lucas Cranach. Trong ảnh là cảnh Thánh Simon đang bị cưa làm đôi.

Một vài tín đồ Kitô hữu sơ khai được ghi nhận đã tử vì đạo bằng hình thức bị cưa đôi. Trong đó, sớm nhất và có lẽ cũng nổi tiếng nhất chính là môn đồ ít được nhắc tới của chúa Jesus, Simon Nhiệt Thành. Ông được cho là đã tử vì đạo ở Iran, bị treo lên và xẻ đôi bằng một lưỡi cưa gỗ.[6]

Conus và con trai

Conus là tín đồ Cơ đốc sống dưới triều đại của Domitianus. Sau cái chết của vợ, ông cùng đứa con trai 7 tuổi lang bạt kỳ hồ và dừng chân ở một vùng sa mạc. Một thời gian sau, ông bắt đầu công kích những kẻ trái đạo, tà giáo. Ông còn phá hủy những vật thánh mà dân chúng sùng bái khắp vùng Konya, Tiểu Á. Hành động này trực tiếp đưa ông đến cái chết. Ông và con trai bị bắt, tra tấn bằng lửa và bị bỏ đói. Cuối cùng, hai cha con bị đem ra hành quyết sống bằng cách xẻ thịt.[20]

Symphorosa và bảy người con

Symphorosa, tương truyền, là một góa phụ sống dưới thời vua Traianus. Bị ép phải cầu nguyện ở một ngôi đền dành cho những kẻ ngoại đạo, Symphorosa và bảy người con kiên quyết từ chối. Kết cục, Symphorosa bị buộc vào một tảng đá và ném xuống sông Aniene. Sáu người con đầu của bà bị đâm nhiều nhát đến chết, riêng đứa con út Eugenius bị hành quyết bằng cách xẻ thịt.[21] Tuy nhiên, cũng có câu chuyện kể rằng Symphorosa đã bị giết vào năm 138, cuối triều đại Hadrianus.[22]

38 thầy tu tử vì đạo trên núi Sinai

Tương truyền, dưới thời hoàng đế Diocletianus, có một nhóm thầy tu sống trên núi Sinai. Một ngày nọ, có một bọn "mọi rợ hoang dã" (những kẻ chuyên cướp bóc và ăn thịt đồng bọn) kéo đến và tàn sát tất cả mọi người, dù trong người họ không có vật gì quý giá. Một số bị lột da, một số bị xẻ thịt bằng một lưỡi cưa cùn.[23]

Thánh Tarbula

Bà bị hành quyết bằng cách cưa đôi người vào năm 345 vì cáo buộc phù thủy và âm mưu nguyền rủa khiến vợ vua Ba Tư Shapur II mắc bệnh. Shapur II được cho là một ông vua có quan điểm chống Kitô sâu sắc.[24]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Xẻ_đôi_người http://fortress.cbu.ca/justice/Karrer.htm //www.amazon.com/dp/B0007HKWAO http://www.historyrundown.com/10-most-cruel-execut... http://www.theodora.com/encyclopedia/r/constantine... http://penelope.uchicago.edu/Thayer/E/Roman/Texts/... http://penelope.uchicago.edu/Thayer/E/Roman/Texts/... http://penelope.uchicago.edu/Thayer/L/Roman/Texts/... http://www.encyclopediaofarkansas.net/ http://www.encyclopediaofarkansas.net/encyclopedia... http://www.catholic.org/saints/saint.php?saint_id=...